Những dấu hiệu của người nguy cơ bị bệnh tiểu đường

Những dấu hiệu của người nguy cơ bị bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hiện nay không hiếm gặp, thậm chí xu hướng của căn bệnh này đang trẻ hoá dần độ tuổi ở các bệnh nhân mắc tiểu đường. Những biến chứng nặng nề mà bệnh tiểu đường gây ra như tim mạch, thần kinh, gan, thận, mắt,… đang khiến nhiều bệnh nhân khổ sở cũng như nỗi lo trong toàn xã hội.

Năm 2019, Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới IDF đã thống kê và công bố số lượng người bệnh mắc tiểu đường trong độ tuổi 20-79 là hơn 460 triệu người. Con số này dự kiến sẽ lên gần 580 triệu vào năm 2030 và 700 triệu vào năm 2045. Hay tính một cách đơn giản hơn, cứ 10 người trưởng thành thì sẽ có 1 người mắc bệnh tiểu đường.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ Bộ Y tế cho thấy có tới 3,5 triệu người đang mắc bệnh tiểu đường. Dự báo con số này sẽ tăng lên 6.3 triệu vào năm 2045, tức là tăng khoảng 80% – một con số đáng báo động.

Theo dữ liệu thống kê này, mặc dù số lượng bệnh nhân ngày càng tăng nhưng chỉ có khoảng 29% bệnh nhân được chẩn đoán và đang điều trị tại các cơ sở y tế. Và 71% người bệnh còn lại thậm chí còn chưa biết hoặc chưa từng đi khám sức khỏe. Việc không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn tới tử vong.

Vì vậy, bất kể ai trong chúng ta đang ở bất kỳ độ tuổi nào, cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường và kiểm tra ngay những dấu hiệu liện quan đến bệnh tiểu đường để có những biện pháp xử lý và điều trị kịp thời.

1. Những dấu hiệu có nguy cơ bị bệnh tiểu đường

Tiểu đường thường được phân thành 3 loại: tiểu đường type 1, tiểu đường type 2, tiểu đường thai kỳ. Mỗi loại tiểu đường lại có những dấu hiệu nhận biết khác nhau:

1.1 Dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường Tuýp 1

Bệnh tiểu đường tuýp 1 là bệnh lý diễn ra ở những bệnh nhân bị suy giảm tiết insulin, dẫn tới cơ thể không có đủ lượng insulin cần thiết để điều hòa lượng đường trong máu. Diễn biến của bệnh tiểu đường tuýp 1 thường rất nhanh, các triệu chứng thường xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần.

Bốn triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường tuýp 1 gồm:

  • Nhanh đói và mệt mỏi: Thông thường, cơ thể chúng ta hấp thu năng lượng từ thức ăn dưới dạng glucose, và quá trình này cần có insulin. Tuy nhiên ở người bị tiểu đường type 1, cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc các tế bào trong cơ thể kháng lại với insulin khiến cho glucose không được hấp thu và giải phóng năng lượng. Cơ thể không hấp thu được năng lượng nên sẽ cảm thấy đói và mệt mỏi, uể oải hơn.
  • Nhanh khát và đi tiểu nhiều lần: Ở người bình thường, trung bình 1 ngày sẽ đi tiểu khoảng 4-7 lần. Con số này sẽ nhiều hơn ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1. Nguyên do là bởi lượng đường trong máu ở mức cao khiến thận không thể hấp thu hết và bị đào thải qua đường tiểu, khiến cơ thể tạo nhiều nước tiểu nên bệnh nhân cần đi tiểu nhiều hơn. Việc này dẫn tới cơ thể bị mất nước nên bệnh nhân sẽ rất nhanh khát, uống nhiều nước và dẫn tới tình trạng đi tiểu lại càng nhiều lần hơn.
  • Khô da, ngứa da và khô miệng: Như đã nói ở trên, cơ thể bị mất nước sẽ làm cho vùng miệng cảm thấy khô. Đồng thời da khô cũng dễ khiến bệnh nhân cảm thấy ngứa ngáy khó chịu.
  • Sút cân nhiều: Mặc dù người bệnh ăn nhiều nhưng vẫn bị sụt cân rất nhiều. Nguyên nhân là do cơ thể không hấp thu được glucose để chuyển hóa năng lượng nên đã sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng thay thế. Lượng chất béo bị phân giải nhiều trong 1 khoảng thời gian ngắn khiến cơ thể bị sụt cân đột ngột.
Kiểm tra đường huyết thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày

1.2 Dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường Tuýp 2

Khác với tiểu đường tuýp 1, nguyên nhân dẫn tới tiểu đường tuýp 2 là do rối loạn chuyển hóa, phần lớn là do vấn đề về tuổi tác, lão hóa. Do đó, các triệu chứng bệnh thường diễn ra âm thầm thậm chí từ nhiều năm trước nên rất khó phát hiện. Người bệnh thường chỉ vô tình được phát hiện thông qua việc xét nghiệm lượng đường huyết hoặc có những biến chứng nặng.

Một số dấu hiệu nghi ngờ mà bệnh nhân cần thực hiện thăm khám để có các chẩn đoán chính xác, bao gồm:

  • Nhiễm trùng nấm men: Nấm men ăn glucose, vì vậy lượng glucose trong máu cao sẽ khiến cho nấm men có cơ hội phát triển mạnh. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng ở bất kỳ nếp gấp ẩm nào của da bao gồm: ở giữa ngón tay, ngón chân, vùng dưới ngực, xung quanh hoặc trong cơ quan sinh dục.
  • Lâu lành vết thương: Lượng đường trong máu ở mức cao sẽ dễ ảnh hưởng đến lượng máu lưu thông trong toàn bộ cơ thể, gây ra các tổn thương hệ thần kinh, khiến các vết thương, vết loét lâu lành. Các biểu hiện như đau hoặc tê ở chân tay cũng là những biểu hiện của việc hệ thần kinh bị tổn thương.
Mô tả biểu hiện của người bị bệnh tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi đường huyết tăng cao, có thể xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Khát nước liên tục
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Giảm cân bất thường
  • Vết thương chậm lành
  • Ngứa, nhiễm trùng da
  • Mờ mắt, giảm thị lực

1.3 Dấu hiệu cảnh báo tiểu đường thai kỳ

Ở phụ nữ có thai, các triệu chứng tiểu đường thai kỳ thường không rõ ràng. Bệnh thường được chẩn đoán từ tuần thứ 24 của thai kỳ nhờ thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose 3 mẫu nếu trước đó chưa ghi nhận mắc tiểu đường tuýp 1 và 2.

2. Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường?

Ngày nay có nhiều phương pháp để điều trị bệnh tiểu đường. Việc thực hiện đúng phác đồ điều trị kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp là chìa khóa quan trọng để điều trị bệnh thành công.

Bệnh tiểu đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau ở từng người và từng khoảng thời gian. Do đó bệnh nhân cần lưu ý lịch thăm khám định kỳ để có những chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh và có những kế hoạch điều trị thích hợp.

Tiểu đường tuýp 1 là bệnh lý không thể phòng ngừa, tuy nhiên với tiểu đường tuýp 2, có thể giảm bớt nguy cơ tiến triển của bệnh bằng việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hàng ngày và có kế hoạch luyện tập thể dục thể thao hợp lý.

  • Ăn uống: Cần đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng mà không làm tăng lượng đường huyết quá nhiều. Cần cân bằng tỉ lệ tinh bột, đạm và chất béo, sử dụng những loại thực phẩm ít béo và calo. Có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng ổn định và kiểm soát đường huyết trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
  • Vận động: Việc tập thể dục đều đặn sẽ giúp giảm chỉ số đường huyết, duy trì cân nặng và giảm các nguy cơ về bệnh tim mạch. Luyện tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày và có kế hoạch luyện tập phù hợp với tình trạng sức khỏe.

3. Điều trị bệnh tiểu đường

Để có thể điều trị bệnh tiểu đường được tốt nhất, người bệnh nên đi khám ở các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Nội tiết. Sau khi có chỉ định điều trị, người bệnh cần thực hiện nghiêm túc theo phác đồ điều trị của bác sỹ.

Hiện nay vẫn chưa có cách nào có thể chữa trị dứt điểm bệnh tiểu đường mà chỉ có thể làm giảm tình trạng bệnh. Đối với tiểu đường type 1, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc insulin suốt đời. Với người bị tiểu đường type 2 có thể kiểm soát, cải thiện tình trạng bệnh bằng cách thay đổi lối sống phù hợp hơn. Khi thăm khám, các bác sĩ cũng sẽ tư vấn về việc thực hiện chế độ ăn uống, vận động, sinh hoạt đúng cách.

Nếu tình trạng bệnh không có tiến triển tốt, người bệnh có thể sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc này sẽ giúp điều hòa lượng đường trong máu.

4. Phòng tránh tiểu đường bằng cách nào?

Tiểu đường type 1 khó có thể phòng tránh bởi bệnh liên quan đến yếu tố bẩm sinh. Còn với tiểu đường type 2, mọi người có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Cách phòng tránh bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt cho điều độ. Cần hạn chế ăn đồ ngọt, thức ăn nhanh… Bên cạnh đó cần luyện tập thể dục thể thao đều đặn, vừa sức.

Bệnh tiểu đường còn liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình bạn đã có người bị tiểu đường thì khả năng mắc bệnh tiểu đường của bạn sẽ cao hơn bình thường. Vì vậy, những người có nguy cơ mắc bệnh cao càng nên chú ý theo dõi sức khỏe của bản thân. Đồng thời nên có ý thức phòng bệnh và thăm khám kịp thời khi có dấu hiệu bất ổn. Bạn nên lập một kế hoạch sinh hoạt khoa học, vận động hợp lý và cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi.

Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu hơn về bệnh tiểu đường, các dấu hiệu và cách phòng tránh. Mặc dù vẫn chưa có thuốc đặc trị tiểu đường, tuy nhiên bạn không cần phải quá lo lắng về căn bệnh này. Người bị tiểu đường vẫn có thể tận hưởng một cuộc sống tốt như bình thường khi được phát hiện và điều trị kịp thời, kết hợp với lối sống lành mạnh.

➤ Bạn cũng sẽ quan tâm:

15
5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Mục lục